Leaders, Vietnam

Chiến Lược Lãnh Đạo Đội Ngũ Ở Việt Nam

_____________________________________________________________________________

Bắt đầu lãnh đạo một đội ngũ mới là một thách thức đối với bất kỳ nhà lãnh đạo nào, dù non nớt hay dày dạn kinh nghiệm. Có những tính cách khác nhau trong nhóm cần phải tìm hiểu và những năng lực khác nhau cần được phát huy. Chúng ta cần biết rõ điều gì là cần thiết để thúc đẩy và dẫn dắt đội ngũ của mình đến thành công. Nếu đây chưa phải là thách thức, thì việc lãnh đạo một đội ngũ mới ở nước ngoài có văn hóa và kỳ vọng khác biệt sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều. Thay vì hùng hục lao vào thử thách, có những chiến lược bạn có thể sử dụng để lên kế hoạch tốt hơn cho việc tiếp cận của mình.

Những năm qua, tôi đã chứng kiến nhiều đồng nghiệp của mình bắt đầu lãnh đạo một đội ngũ mới tại Việt Nam mà không dành thời gian để chuẩn bị kỹ lưỡng. Với sự tự tin đến từ kinh nghiệm dẫn dắt thành công các đội nhóm khác trước đây, sự tự tin quá mức của họ cuối cùng đã nhường chỗ cho sự tự vấn: tại sao những kinh nghiệm trước đây của họ không hiệu quả khi áp dụng tại nơi này. Dưới đây là một số chiến lược tôi đã tập hợp và sử dụng trong nhiều năm qua giúp tôi bắt đầu dẫn dắt một đội ngũ tại Việt Nam.

  1. Hiểu rõ chức danh của bạn và ý nghĩa của nó. Đó không chỉ là những gì được nhắc đến trong bảng mô tả công việc, mà còn là những gì chức danh ấy mang lại. Vì khoảng cách quyền lực đối với người Việt Nam là quan trọng, nên người Việt Nam thường đánh giá cao và rất tôn trọng các chức danh như Quản lý, Giám đốc, v.v. Nhận thức được điều này và tôn trọng ý nghĩa của nó sẽ giúp bạn bắt đầu định hình chiến lược phong cách lãnh đạo của mình.
  2. Sự tôn trọng đóng vai trò quan trọng đối với thành công của bạn. Tôn trọng chức vụ và vị trí bạn đang làm và tôn trọng những người làm việc cho bạn. Nếu không thì bạn sẽ mất đi sự tôn trọng mà người khác dành cho bạn. Một khi điều đó xảy ra, việc bạn làm sẽ hoàn toàn không hiệu quả.
  3. Xây dựng mối quan hệ cá nhân với đội ngũ của bạn. Không giống như văn hóa phương Tây, văn hóa Việt Nam không chỉ cho phép mà còn kỳ vọng rằng các nhà lãnh đạo sẽ gần gũi và hiểu rõ đội ngũ của mình ngoài công việc ra. Điều đó có nghĩa là bạn phải dành nhiều thời gian ngoài công việc để xây dựng gắn kết nhóm. Những buổi tụ họp thường xuyên vài lần một tuần là bình thường. Du lịch nhóm một hoặc hai lần mỗi tháng là tối thiểu. Bạn càng đầu tư nhiều thời gian vào đội ngũ của mình, bạn sẽ càng xây dựng được nhiều mối quan hệ để trở thành một nhà lãnh đạo hiệu quả hơn.
  4. Hãy kỳ vọng rằng các thành viên trong đội ngũ của bạn có năng lực hơn họ nghĩ. Xét về khía cạnh văn hóa, người Việt Nam khá ít khi lên tiếng. Việc phô trương và tự đắc thường không được đánh giá cao. Hãy đánh giá năng lực đội ngũ của bạn bằng kết quả công việc. Hãy đặt câu hỏi trực tiếp và đánh giá câu trả lời được đưa ra. Đừng đặt câu hỏi chung chung mà mong đợi một câu trả lời chất lượng.
  5. Đặt kỳ vọng sớm và thường xuyên. Người Việt Nam khá xem nhẹ vấn đề thời gian. Nếu thời gian họp hoặc hạn chót công việc bạn đặt ra bị trì hoãn, đừng tức giận hay bực bội. Đó chỉ là một khía cạnh văn hóa có thể được sửa chữa nếu bạn kỷ luật hơn. Nếu bạn là cảm thấy ổn với văn hóa xem nhẹ thời gian này, thật tuyệt. Nếu bạn muốn tạo lập văn hóa đội ngũ khác, thì hãy làm điều đó ngay từ đầu và luôn kiên định và kỷ luật. Các buổi họp bắt đầu đúng giờ. Thời hạn được đáp ứng. Ngay cả các buổi hội họp xã giao cũng nên đúng giờ. Đúng giờ mọi lúc.

Những chiến lược này chỉ là một phần nhỏ trong số các chiến lược có thể áp dụng trong việc lãnh đạo một đội ngũ tại Việt Nam. Tuy nhiên, đây là 5 trong số những chiến lược hiệu quả nhất mà tôi đã phát hiện, sử dụng, chia sẻ và chứng minh tính hiệu quả. Hãy nghiêm túc cân nhắc áp dụng những chiến lược này trong số các chiến lược lãnh đạo của bạn và cho tôi biết kết quả.

Photo by: Mimi Thian

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *